Wednesday, 18/09/2019

Vào vụ lúa - tôm

Những ngày này, theo các tuyến lộ về nông thôn của huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh nông dân nhổ mạ, cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Vụ mùa năm 2019, Thới Bình phấn đấu xuống giống lúa trên đất nuôi tôm đạt 20 ngàn héc-ta; Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 ha; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa đặc sản gồm: ST20 và ST24 ở 5 xã với diện tích hơn 2 ngàn héc-ta. Hiện có 3 công ty ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã và các hộ dân khoảng 1.700 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Trí Lực với 660 ha.

Nông dân xã Biển Bạch Đông cải tạo đất để gieo sạ giống lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm cho kịp thời vụ.

Ông Nguyễn Hoài Luận, Ấp 9, xã Trí Lực, tận dụng tối đa lượng nước mưa để rửa mặn cho gần 2 ha đất của gia đình và xuống giống lúa ST24 cho kịp thời vụ. Với kinh nghiệm thực hiện mô hình tôm - lúa nhiều năm nay, ông Luận cho biết: "Năm nay thời tiết cực kỳ khó khăn nhưng tôi quyết tâm trồng cho được cây lúa, vì trồng lúa không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn cải tạo môi trường đất, gốc rạ thì làm thức ăn cho tôm, các chất độc trong vuông được cây lúa hút hết, nhờ vậy nên năm nào cấy được vụ lúa là trúng vụ tôm".

Nhiều năm qua, mô hình lúa - tôm sú, lúa - tôm càng xanh đã chứng minh được hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cho người dân từ 50-70 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha.

Theo lịch thời vụ, khoảng cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trong huyện Thới Bình tiến hành rửa mặn và cấy lúa. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa ít, nắng nhiều nên bà con gặp khó trong khâu rửa mặn, đồng thời làm thiệt hại một số diện tích mạ gieo để cấy trên đất nuôi tôm.

Do rửa mặn không được nên nhiều nông dân trong huyện Thới Bình bỏ đất trống.

Ông Chung Thành Thám, Ấp 6, xã Thới Bình, cho biết: "Vụ mùa này không thể canh tác như mọi năm, do nắng cục bộ kéo dài, lúc mưa thì mưa liên tục nên rửa mặn không được, cấy lúa xuống sẽ không phát triển".

Bên cạnh đó, bà con nông dân lo lắng nhất là thiếu hụt nhân công, bởi phần lớn lao động nông thôn hiện nay đều đi lao động ngoài tỉnh, dẫn đến nhiều hộ gia đình phải bỏ đất trống hoặc cấy năn.

Đến thời điểm này, toàn huyện xuống giống chưa được 5 ngàn héc-ta, dự báo huyện sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: "Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, phòng nông nghiệp khuyến cáo bà con tập trung rửa mặn và chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, chất lượng cao, thích ứng tốt với điều kiện đất nhiễm mặn để gieo sạ cho kịp thời vụ".

Nhiều năm chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, đời sống người dân trong huyện Thới Bình nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, người dân đang gặp khó khăn trong sản xuất. Mong rằng các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc “cứu” nông dân vượt qua giai đoạn này./.

Nguồn tin: Báo Cà Mau

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền: