Bấp bênh cây lúa
Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa hè thu năm 2019, tuy nhiên giá lúa năm nay không cao và tiêu thụ khó khăn nên nông dân không lời nhiều. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm tăng thu nhập cho nông dân đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Chuyển đổi trồng màu hiệu quả hơn cây lúa
Hiệu quả quá thấp
Trên cánh đồng lúa rộng 1,7ha của gia đình đang thu hoạch, ông Đoàn Ngọc Anh, ngụ xã Tân Thành A, huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) thở dài khi 3 tháng cực nhọc canh tác, cuối cùng hiệu quả mang lại chẳng bao nhiêu. Ông than: “Hiện nay, thương lái mua lúa tươi loại thường chỉ khoảng 4.300 - 5.300 đồng/kg tùy loại giống, dù giá có tăng so với tháng trước nhưng vẫn còn rất thấp. Ngoài ra, thời tiết vụ này không thuận lợi nên năng suất lúa không cao. Tính ra nông dân lời không nhiều”. Bà Trịnh Mỹ Lệ (cùng ngụ xã Tân Thành A) cũng tỏ ra ngao ngán khi sản xuất lúa càng lúc khó khăn hơn. “Vụ đông xuân 2019 vừa rồi giá lúa cũng không cao, chỉ 4.600 - 5.200 đồng/kg tùy loại giống, nên nông dân lời ít. Nhiều hộ hy vọng vụ hè thu này tình hình sẽ cải thiện, không ngờ giá còn tệ hơn…”, bà Lệ bộc bạch.
Ở An Giang, nhiều nông dân và cả chính quyền địa phương cũng băn khoăn trước sự bấp bênh của cây lúa. UBND huyện đầu nguồn An Phú cho hay, toàn huyện sản xuất khoảng 13.000ha lúa hè thu và nông dân đã thu hoạch 50% diện tích; dự kiến đầu tháng 8-2019 sẽ dứt điểm. Thống kê sơ bộ của các xã cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, qua 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, nông dân khi thu hoạch xong thì trả nợ vật tư, công lao động… chẳng còn dư được gì. Trong khi hàng ngày, hàng tháng, từng gia đình biết bao nhiêu việc cần chi tiêu; từ đó đẩy nhiều hộ vào cảnh “ăn trước trả sau”.
Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2019 các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,56 triệu ha, giảm 42.000ha so cùng kỳ; năng suất ước 5,6 tấn /ha, sản lượng hơn 8,7 triệu tấn, giảm 20.000 tấn so vụ hè thu 2018. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3,39 triệu tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt 1,46 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước; giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 429 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của xuất khẩu gạo khó khăn, giá giảm, khiến giá lúa giảm theo và nông dân canh tác không hiệu quả như mong muốn.
Giảm lúa, tăng rau màu và cây ăn trái
Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ làm việc với Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam… để có giải pháp tháo gỡ về tình hình tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL. Đối với vụ lúa thu đông 2019 sắp tới, Bộ NN-PTNT đưa ra 2 phương án sản xuất ở ĐBSCL. Phương án 1, như kế hoạch ban đầu thì diện tích lúa thu đông 2019 là 750.000ha, tăng 9.380ha so với thu đông 2018; sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, tăng 129.000 tấn. Phương án 2, do lúa đông xuân và hè thu năm 2019 đều gặp giá thấp, tiêu thụ chậm; vì vậy vụ thu đông 2019 giảm xuống 700.000ha, sản lượng ước đạt 3,8 triệu tấn, giảm 137.000 tấn so với vụ thu đông 2018.
Trong 2 phương án này, nhiều địa phương ủng hộ việc giảm diện tích trồng lúa bởi hiệu quả thấp và dễ gặp rủi ro. Nhất là bài học của vụ thu đông 2018 khi lũ về sớm đã làm ngập hàng ngàn ha lúa thu đông, gây thiệt hại hơn 2.000ha ở vùng đầu nguồn. Bộ NN-PTNT cho rằng, quan điểm là sản xuất vụ thu đông ở những vùng an toàn đối với lũ, hệ thống đê bao, cống đập đảm bảo. Thời vụ kết thúc xuống giống chậm nhất vào ngày 20-8 và tối đa là 30-8 để không ảnh hưởng vụ đông xuân 2019- 2020.
Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) tiết lộ: “Dù ngành chuyên môn dự báo khả năng lũ năm 2019 không cao, tuy nhiên huyện không khuyến cáo nông dân sản xuất nhiều lúa thu đông. Nếu như năm trước toàn huyện canh tác hơn 7.400ha vụ thu đông thì năm nay diện tích được vận động kéo giảm xuống càng nhiều càng tốt, do hiệu quả cây lúa thấp nên không thể kêu dân làm lúa mãi. UBND huyện yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, giúp bà con chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu như ớt, đậu nành, bắp và nuôi thủy sản mùa lũ nhằm gia tăng thu nhập”. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận, trong tình cảnh giá thấp thì khó khuyến cáo người dân tăng diện tích lúa thu đông 2019. Do đó, nếu trường hợp áp dụng phương án giảm sản xuất lúa thu đông thì sẽ thực hiện xả lũ khoảng 30.000ha và chuyển đổi khoảng 10.000ha sang trồng các loại cây con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn lúa…
Trong vụ hè thu 2019, các tỉnh ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 66.800ha đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn lúa. Ở nhiều nơi, nông dân trồng bắp cho lợi nhuận 80 triệu đồng/ha/vụ, trồng ớt lời 50 triệu đồng/ha/vụ, trồng dưa hấu lời 70 triệu đồng/ha/vụ, rau màu lời 88 triệu đồng/ha/vụ… trong khi lúa chỉ lời khoảng 5,5 triệu đồng/ha/vụ. Tính ra việc chuyển đổi mang lại hiệu quả cao hơn lúa từ 8 đến 14,7 lần. Ngoài ra, còn làm đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nước tưới, giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh...
Tuy nhiên, cái khó là hệ thống thủy lợi chưa đầu tư đồng bộ, một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó khăn, giá thành sản xuất cao, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa mạnh. Đặc biệt là thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, do đó đầu ra chưa ổn định… Đây là những vấn đề cần tập trung tháo gỡ nhằm giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả và bền vững.
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
0 Bình luận