Bật Google tìm cụm từ “giải cứu nông sản”, trong vòng 33 giây đồng hồ có con số 39,6 triệu kết quả. Đúng thế thật, từ vài năm nay, “giải cứu nông sản” không còn là một công tác thường được hiểu chỉ mang tính đối phó và “cấp cứu” cho những trường hợp xấu xảy ra bất ngờ, ngoài ý muốn. Tưởng chỉ các mùa phụ ít được tập trung chú ý như trái vải, chuối, dưa hấu, củ hành..., nay mùa vụ chính là lúa gạo vừa qua cũng được Chính phủ và xã hội ra tay giải cứu.

Đợt Chính phủ và doanh nghiệp ứng cứu lúa gạo sau Tết Âm lịch vừa qua tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với việc mua dự trữ 80.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo đã giúp giá lúa gạo tăng lên được một vài trăm đồng mỗi ki lô gam. Cùng lúc đó Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị về cung cấp tín dụng và tài chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu gạo mua trữ tồn kho, phần nào giá lúa tạm thời ngưng giảm.

Nhưng giá như đồng tiền đi trước! Thật ra, cú khựng tín dụng cuối năm 2018 của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có phần nào làm gián đoạn mạch lưu thông thị trường lúa gạo và một số hàng nông sản chủ lực khác khi vào mùa, dù biết chỉ là ngắn ngủi và tạm thời.

Vụ lúa đông xuân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thường là vụ chủ lực với sản lượng cao, năm nay ước tính gần 11 triệu tấn lúa. Gặp phải lúc năm cùng tháng tận, các doanh nghiệp thu mua không chỉ lo chạy bán gạo trong ngoài để thu gom tiền trả nợ ngân hàng, lại còn lo trả các khoản nợ nần cho các nhà cung ứng, thương lái và cả tiền lương thưởng thợ thầy, thanh toán tiền thuê nhà mướn xưởng... Ở đây xin nói thêm rằng không chỉ ngành lúa gạo, một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng và chiến lược khác như cà phê, hồ tiêu gần như mùa thu hoạch các mặt hàng này cũng đến cùng một thời điểm, tức trong tháng 12 hay hai tháng đầu năm mới, lại trùng với dịp Tết Âm lịch, thời điểm mà tất cả các doanh nghiệp đều phải chạy đôn chạy đáo xoay xở nguồn tiền. Hiện tượng này xảy ra mỗi năm như “hết hẹn lại đến”. Khi một thị trường khó khăn, gặp lúc kẹt tiền bạc, xin hỏi không bán rẻ hay không ngồi im chịu trận thì phải làm gì bấy giờ? Bấp bênh nguồn vốn, hỏi sao giá nông sản những lúc mùa ra chính vụ không bị vây khốn?

Trong hoàn cảnh thị trường xuất khẩu đang co lại, doanh nghiệp không đủ vốn mua hàng, lúa hàng hóa càng ra càng bị từ chối là lẽ thường tình. Giá như đồng tiền đi trước thì đâu đến nỗi. Tại nhiều quốc gia như Brazil, Colombia, Mỹ... bao giờ họ cũng có những dự báo về vụ mùa cùng với thị trường hết sức chuyên nghiệp và nghiêm túc để định hướng tín dụng cho các mặt hàng nông sản chiến lược. Trước một vụ mùa cà phê dù được hay mất, Brazil và Colombia đều thông báo rộng rãi gói tín dụng đến tận doanh nghiệp và nông dân để phục vụ công tác thị trường. Tùy diễn biến giá thị trường thế giới, họ sử dụng nguồn vốn đã lên kế hoạch ít hay nhiều tùy hoàn cảnh, nhưng bao giờ vốn thu mua nông sản chính của đất nước họ cũng sẵn sàng.

Cái gút thắt rất đặc thù của nhiều vụ mùa ở Việt Nam là khi một số nông sản đã được thu hoạch, cần số vốn lớn để ổn định giá ngay từ đầu thì lại gặp lúc đáo hạn tín dụng, kết thúc năm tài chính, vào ngay mùa lễ Tết... Tại rất nhiều nước xuất khẩu và cả nhập khẩu nông sản, họ thực hiện một chế độ thời gian khác khá uyển chuyển cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản như kết thúc “năm kế toán” thường vào cuối tháng 9. Do tình hình đặc thù của các mặt hàng nông sản như lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, nên chăng cần tính toán để có thể cho phép kết thúc năm kinh doanh và báo cáo tài chính của đơn vị doanh nghiệp liên quan dời về cuối tháng 3 hàng năm, tức khi đã rảnh rang với vụ chính. Nếu như có kẹt với lịch chung, đến tháng 12, họ chỉ báo cáo sơ kết chín tháng và báo cáo chính thức cả năm kinh doanh vào thời điểm đã gợi ý, tránh khỏi giai đoạn căng thẳng cuối năm Dương lịch đi kèm Tết Âm lịch. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều cái lấn cấn cho công tác kế hoạch, ngân sách chung, nhưng xem ra doanh nghiệp và nông dân khỏi nơm nớp chạy tiền, bán rẻ hàng hóa, để tránh tình trạng phải giải cứu nhiều lần.

Bao lâu còn để doanh nghiệp và nông dân bị động, bấy lâu nhiều loại nông sản cần phải giải cứu nữa chứ không chỉ như trường hợp ngành lúa gạo mới đây.

Nguồn: https://bitly.vn/1qi2
Ảnh minh họa: Chăm sóc lúa. Ảnh: Hoàng Kim

#thongtinnhanong #nongnghiep #thuanthienfresh #thuanthien#nongsansach #thucphamsach

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền: