Ngày 26-7-2019, tại tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu”.

Các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp thắc mắc và đưa ra giải pháp canh tác cây ăn trái đạt chất lượng cao tại diễn đàn.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái của các tỉnh phía Nam trên 600.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích của cả nước; tổng sản lượng hằng năm hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng trên 10.000ha, như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, khóm, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu… ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của phía Nam, chiếm khoảng 58% tổng diện tích cây ăn trái. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo giống cây ăn trái mới, chất lượng cao được chuyển giao sản xuất và nhà vườn áp dụng hiệu quả, như: sản xuất rải vụ thu hoạch, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung, cải thiện tăng đậu trái và chống rụng trái non… Đặc biệt, nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng VietGap, Global GAP đã tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Riêng, thị trường tiêu thụ cây ăn trái trong những năm gần đây tương đối thuận lợi, giá cao, người dân canh tác có lợi nhuận khá.

Bưởi da xanh, sản phẩm được nông dân TP Cần Thơ sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, cho năng suất cao.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng tình hình sản xuất cây ăn trái của các tỉnh phía Nam vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Cụ thể, việc phát triển cây ăn trái còn nhỏ lẻ, manh mún và trồng nhiều loại cây trên cùng diện tích dẫn đến không đủ số lượng hàng hóa lớn để cung ứng theo nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chất lượng cây ăn trái không đồng đều, việc áp dụng mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế nên gặp khó đầu ra; trong khi đó, ngành nông nghiệp các địa phương chưa đưa ra dự báo chuẩn xác về thị trường tiêu thụ, từ đó tình trạng thiếu thừa thường xuyên xảy ra và nạn trồng - chặt liên tiếp tái diễn....

Từ những mặt hạn chế trên, các nhà khoa học, chuyên gia đã gợi mở nhiều giải pháp để giúp nông dân các tỉnh phía Nam sản xuất cây ăn trái hiệu quả và đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Trong đó, các địa phương cần hình thành những đề án, kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ, chú trọng đến các thị trường lớn , kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mã vùng để có được sản lượng lớn và chất lượng tốt, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp...

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền: