Ứng dụng bẫy sinh học trên rau.

Theo khuyến cáo của Viện bảo vệ thực vật (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học có ưu điểm không làm tăng tính kháng cho các loài sâu, bệnh hại, thời gian cách ly sau khi phun thuốc sinh học ngắn hơn so với thuốc hóa học. Do đó, phòng trừ sinh vật hại trên rau bằng biện pháp sinh học rất an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thuốc BVTV sinh học không thể “tiêu diệt’” ngay tức thì đối tượng gây hại như thuốc BVTV hóa học. Trong giải pháp bảo vệ cây trồng, ngoài việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, sử dụng thiên địch được xem là xu hướng hữu hiệu để diệt sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn cho cây trồng. Các thiên địch có thể triệt tiêu hoặc kiềm chế sự phát triển của sâu bệnh.

Có thể sử dụng các loại thiên địch như: nấm đối kháng Trichoderma, nấm bột Nomurae rileyi, NPV, bọ rùa 8 chấm, bọ xít nâu viền trắng, chuồn chuồn cỏ, ong cự, ong kén trắng, ruồi ăn rệp… để diệt sinh vật gây hại. Ngoài ra, sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma trộn với phân chuồng ủ hoai dùng bón lót cho cây trồng có tác dụng hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất.

Biện pháp khác là nhân nuôi và phóng thích một số loại thiên địch có khả năng bắt mồi cao, sức sống mạnh, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh như: bọ xít hoa gai vai nhọn Cantheconidae furcellata, bọ xít cổ ngỗng, bọ rùa 8 chấm Harmonia octomaculata, chuồn chuồn cỏ Chrysopa sp. Cũng có thể sử dụng một số loại bẫy sinh học như: bẫy dính màu vàng, bẫy fly kill dẫn dụ ruồi đục trái, bẫy pheromone dẫn dụ sâu tơ - sâu khoang trên rau ăn lá. Sử dụng bẫy pheromol treo trên ruộng rau để thu hút con trưởng thành cái đến các bẫy mà không giao phối được, không đẻ được trứng và không hình thành được sâu.

Pheromol là hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học rất cao, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh sản của các loài sâu hại. Bẫy pheromol đặc biệt có hiệu quả đối với các loại sâu hại không thể phát hiện sớm bằng phương pháp thông thường, như sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu keo da láng trên các loại rau, hoa, đậu, nho, bông… Đặt bẫy pheromol bằng cách sử dụng hũ nhựa hoặc chén nhựa đã dùng một lần, có đường kính 18 - 22 cm, buộc mồi vào dây thép, sau đó đổ nước 1/3 thể tích chén có pha thêm một ít xà bông, xà bông có tác dụng khi bướm bay vào bẫy, rơi xuống nước, sẽ bị bịt lỗ thở lại và chết rất nhanh.

Tùy từng loại rau mà treo bẫy khác nhau. Đối với loại cây thấp như su hào, bắp cải, hành… đặt bẫy ở vị trí cao hơn bề mặt tán cây trên ruộng chừng 20 - 30 cm. Đối với cây trồng như đậu leo, cà chua, dưa chuột… thì treo bẫy ở vị trí sát mặt giàn cây để tạo thuận lợi cho pheromol lan tỏa rộng. Các loại mồi pheromol có hiệu quả hấp dẫn sâu hại trong thời gian ít nhất là 21 - 24 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và theo từng vùng thì thay bả, tốt nhất thay mồi pheromol mới theo định kỳ 20 ngày kể từ ngày sử dụng.

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

 

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền: