Hơn 1 năm triển khai đề tài “Tuyển chọn và nhân các giống lúa theo hướng thảo dược ở Thừa Thiên Huế”, hướng nghiên cứu này đang cho thấy khả năng thành công, thêm lựa chọn cho nông dân và người tiêu dùng về thực phẩm sạch.

TS. Lê Tiến Dũng (trái) thăm đồng, theo dõi tình hình phát triển của lúa thảo dược được trồng thử nghiệm

Trồng thử nghiệm

Dẫn chúng tôi thăm đồng, ông Trương Khiết, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) chia sẻ, giống lúa thảo dược do các chuyên gia từ Viện Công nghệ sinh học (CNSH) Đại học (ĐH) Huế cung cấp trồng thử nghiệm phát triển khá tốt.

Kết quả thu hoạch từ vụ đông xuân cho thấy, so với các giống lúa thông thường, năng suất của lúa thảo dược tuy có thấp hơn, nhưng so với các giống lúa hữu cơ khác là tương đương. Điều đặc biệt là chất lượng gạo ngon và nhiều dinh dưỡng.

“Hầu hết giống lúa hữu cơ đều khó đạt năng suất như các giống lúa khác, nhưng sản lượng thu hoạch vừa qua của lúa thảo dược khoảng 1,8 – 2 tạ/sào theo tôi là ổn. Đáng quan tâm là giống lúa này chất lượng vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học”, ông Khiết nói.

Lúa thảo dược được trồng thử nghiệm tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền)

Lúa thảo dược được Viện CNSH ĐH Huế triển khai nghiên cứu thử nghiệm từ tháng 4/2018. TS. Lê Tiến Dũng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, để triển khai hướng nghiên cứu này, ông và các cộng sự đã trải qua rất nhiều bước, từ việc nghiên cứu trên nhiều nguồn giống thông qua các phương pháp lai tạo giống, xử lý đột biến, chọn ra các giống mới chất lượng, trong đó có 3 giống lúa thảo dược được tuyển chọn thành công là TD1, TD2, TD3.

Nội dung nghiên cứu về nhân giống với các chỉ tiêu đánh giá tỷ lệ mọc; sức nẩy mầm; các đặc trưng, đặc tính nông sinh học của giống và nghiên cứu các chỉ tiêu chất lượng theo hướng thảo dược về màu sắc hạt, chất lượng thành phần, chất lượng hạt đều đúng theo các tính toán của nhóm nghiên cứu.

Để triển khai hướng nghiên cứu này, các chuyên gia đã kế thừa các kết quả nghiên cứu chọn giống lúa mới chất lượng cao, đồng thời bố trí các thí nghiệm đồng ruộng để nhân giống phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ cho biết, quá trình thử nghiệm một số vụ, có thể thấy triển vọng từ giống lúa này, nhất là tỷ lệ sâu bệnh thấp.

“Sâu bệnh xảy ra trong quá trình bón phân tỷ lệ không cân đối. Trong lúa hữu cơ sử dụng phương thức bón phân hữu cơ tỷ lệ phù hợp nên quá trình sản xuất vừa qua gần như ít thấy sâu bệnh”, ông Ba nhấn mạnh.

Triển vọng

Tháng 7/2019, Viện CNSH ĐH Huế đã có phân tích chất lượng lúa, kết quả cho thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng từ protein, lipid, amylose đều khá tốt so với các giống lúa HT1 (giống trồng phổ biến ở Huế), khang dân, Ari… Điểm đặc biệt của giống lúa thảo dược mới là hàm lượng chất sắt và 3 loại omega 3 – 6 – 9 cao, rất tốt cho sức khỏe. Đây là các thành phần quan trọng nhất giúp hạt gạo cung cấp những hoạt chất rất tốt cho người bị bệnh huyết áp, xương khớp, mờ mắt, tiểu đường…

Theo TS. Lê Tiến Dũng, nhu cầu người tiêu dùng bây giờ chuyển từ ăn no sang ăn ngon, ăn ít nhưng đầy đủ chất và hướng nghiên cứu lúa thảo dược giải quyết được vấn đề đó.

Theo PGS.TS.Trương Thị Hồng Hải, xu hướng hiện nay người tiêu dùng tìm đến thực phẩm sạch, nông sản hữu cơ. Thời gian qua, nhiều người lựa chọn sử dụng gạo lứt với mong muốn hướng đến tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị bệnh tiểu đường và người có mong muốn giảm cân. Tuy nhiên, hầu hết các loại gạo lứt đang bán trên thị trường thì cơm khô và ăn không ngon. Trong khi đó, theo nghiên cứu, gạo thảo dược chất lượng tốt hơn, loại gạo này nấu cơm ngon, nhiều chất bổ và dinh dưỡng.

Với xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng, việc phát triển giống lúa thảo dược tạo thêm nguồn giống mới cho người nông dân. So với các giống lúa thông thường, giá thành của giống lúa thảo dược chắc chắn cao hơn.

Đại diện Viện CNSH cho biết, sau khi nghiệm thu đề tài (khoảng tháng 3/2020), Viện sẽ đề xuất xin kinh phí để xây dựng trồng các mô hình thử nghiệm tại các địa phương trồng lúa trong tỉnh, đồng thời làm các thủ tục công nhận giống.

Với mong muốn hỗ trợ người nông dân, khi hướng nghiên cứu này kết thúc, Viện có thể phối hợp với các địa phương, cơ quan phụ trách về nông nghiệp để chuyển giao giống và quy trình canh tác, đồng thời trao đổi để có hướng quy hoạch, phân vùng trồng thích hợp.

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền: