Cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, ông Lê Văn Thông, lão nông 62 tuổi, được mệnh danh là “vua ruộng” tại xã Phú Thượng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), khi từng sản xuất, canh tác với 6 ha ruộng lúa.

Lão nông Lê Văn Thông được mệnh danh là “vua ruộng” tại Phú Thượng

“Có chi mô, bác cũng như bao người làm ruộng khác ở đây thôi. Trồng cái cây, nuôi con vịt để có đồng vào đồng ra, nuôi con ăn học…”. Trò chuyện với chúng tôi, lão nông sinh năm 1957 khiêm tốn. Vóc dáng cao dong dỏng, gương mặt sạm đi vì nắng gió, ông Thông hiền lành: “Gia đình bác có truyền thống làm ruộng lâu đời, cứ “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Ba mẹ bác nghèo lắm, nuôi tám người con rất vất vả”.

Lập gia đình, người con của miền quê Phú Thượng vẫn quanh quẩn với cái nghèo. Những ký ức gian khó ùa về, ông kể: “Năm 1985, lúc ấy nhà bác rất túng. Năm đó lúa tốt lắm, nhưng lúc trổ thì lại gặp sương muối. Tưởng cầm chắc no ấm đến nơi, ai dè thiệt hại đến 90% năng suất”. Vì vụ lúa thất bát, gia đình người nông dân này phải chạy vạy vay mượn, nợ nần mãi đến ba năm sau mới trả nổi.

Năm 1991, nhận thấy chỉ làm ruộng thôi không đủ, lại chẳng tận dụng được lợi thế, ông Thông tìm tòi, học hỏi cách nuôi vịt, mở rộng phương thức làm ăn. Mọi người ai cũng nghĩ ông liều, đùng một lúc dồn vốn nuôi ồ ạt 1.500 con vịt thịt. Đây là đàn gia cầm không nhỏ vào thời điểm lúc ấy. Thế mà ông nuôi tốt, lại bán rất được giá.

“Bác tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi thôi, cái này phải thật siêng và tinh ý. Còn lại cứ có vấn đề là nhờ bác sĩ thú y”, ông vui vẻ chia sẻ. Với lão nông này, đã làm là phải đầu tư, ông tranh thủ học hỏi kinh nghiệm mọi nơi, mọi lúc và nuôi vịt một cách khoa học. Đây là cái “liều” đã được tính toán kỹ lưỡng.

Năm 1992, ông lấn tới, nuôi thêm 700 con vịt đẻ, nâng tổng đàn vịt lên 2.200 con. Cứ nhắc đến khối lượng công việc khổng lồ lúc ấy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Làm sao với sức vóc như thế, một lão nông kham nổi 6ha lúa, 2.200 con vịt. Ông cười ồ: “Đi làm thấy cây lúa tốt, vịt chóng đẻ, làm về nhìn con cái được học hành, chăm ngoan nên bác vui lắm. Bao nhiêu mệt nhọc tiêu biến cả. Gian khó nào bác cũng trải qua rồi, có thóc lúa vào kho là mừng rớt nước mắt…”.

Cập nhật khoa học kỹ thuật, luôn biết đổi mới để tiết kiệm chi phí và công sức. Năm 2012, ông Thông vay mượn, sắm cho bằng được máy gặt đập liên hợp. Từ đây, không chỉ làm lợi cho mình, chiếc máy của ông đã giúp biết bao bà con tại Phú Thượng tiết kiệm sức lao động, hướng đến cách làm nông nghiệp hiện đại.

Đến nay, dù đã ngoài lục tuần, ông vẫn giữ phong độ làm việc khiến nhiều người e ngại, canh tác 2,4 ha lúa cùng 400 con vịt đẻ. Với năng suất 6,5 tấn/ha/vụ, mỗi năm ông Thông lãi ròng 80 triệu đồng. Đàn vịt của ông cũng mang lại gần 50 triệu đồng. Công sức lao động vất vả được đền đáp, ông nuôi tám người con của mình ăn học đến nơi đến chốn, công ăn việc làm ổn định. Hiện còn hai người con đang học đại học.

Ông Võ Quốc Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thượng, cho biết: “Ông Lê Văn Thông là hội viên nổi bật trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Không chỉ mạnh dạn đầu tư vốn để mua máy gặt đập liên hợp, máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình gia trại chăn nuôi vịt của ông Thông cũng rất thành công”.

Mô hình làm ăn kinh tế của ông Lê Văn Thông được nhiều hội viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng học hỏi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên, Hội Nông dân xã phối hợp với Hợp tác xã đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng các loại giống lúa mới, mô hình cánh đồng mẫu, 3 giảm 3 tăng... thúc đẩy các hội viên phát triển sản xuất lúa bền vững.

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền: